Ngoài việc truyền đạt những giá trị sâu sắc và ý nghĩa về tình yêu, tình bạn, tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm... thì 1 đặc trưng không thể phủ nhận làm nên sự thành công của series Reply đó là "cuộc đua tìm chồng". Có lẽ Reply cũng là 1 trong số ít những bộ phim Hàn mà biên kịch đã xây dựng hết sức thành công cả hình tượng nhân vật nam chính lẫn nam phụ và khiến cho cả 2 nhân vật đều chiếm được cảm tình rất lớn của khán giả, làm nảy ra rất nhiều phân tích và tranh luận xem ai mới đủ "tốt", đủ "xứng đáng" là chồng nữ chính.
Trong Reply, tuy cả nam chính và nam phụ đều rất "tốt", rất "xứng đáng", đều dành tình yêu và sự quan tâm, chăm sóc tuyệt vời cho nữ chính nhưng biên kịch luôn khéo léo xây dựng những yếu tố khác biệt mang tính quyết định xem ai mới là định mệnh của nữ chính:
- Biên kịch luôn xây dựng mối dây tình cảm giữa nam nữ chính như một mối dây liên kết vô cùng khăng khít và gắn bó từ cả 2 phía, cả về chiều dài (về thời gian) và chiều sâu (về tình cảm). Đó là mối quan hệ đặc biệt hơn tất cả những người khác, mối quan hệ mà không ai có thể xen vào được, bao gồm cả nam phụ.
Nếu tình cảm nam phụ dành cho nữ chính là thứ tình cảm nồng nhiệt của tuổi trẻ hay thứ tình cảm gà bông của tuổi mới lớn, là một phút thoáng qua đáng nhớ trong cuộc đời thì tình cảm nam nữ chính dành cho nhau là thứ tình cảm như tình thân gắn bó giúp họ đồng hành cùng nhau đến suốt cuộc đời.
Cách biểu lộ tình cảm của nam phụ dù quyết liệt, hào nhoáng nhưng lại chỉ khiến fangirl cảm nhận được còn cách biểu lộ tình cảm lặng lẽ, âm thầm của nam chính mới là thứ chạm được đến trái tim nữ chính. Người xem luôn cảm nhận được rõ ràng tình cảm của nam phụ vì nó hào nhoáng và dễ thấy bằng mắt, còn nữ chính chỉ cảm nhận được tình cảm của nam chính vì nữ chính cảm nhận bằng trái tim.
- Lý do nữ chính luôn chỉ cảm nhận được tình cảm của nam chính là bởi vì ngoài cái gọi là "đúng lúc, đúng thời điểm" thì nam chính luôn là người thấu hiểu nữ chính nhất. Ngoài việc nam chính luôn ở bên nữ chính những lúc nữ chính cần nhất thì nam chính cũng luôn là người hiểu nhất nữ chính thích điều gì, nữ chính mong đợi điều gì, nữ chính có những tổn thương tình cảm gì cần được bù đắp, hiểu được rằng khi nữ chính buồn bã đau khổ thì cái nữ chính cần là những lời an ủi suông hay đơn giản chỉ là sự hiện diện bên cạnh của nam chính..., từ đó mà trân trọng, cưng chiều, dung túng cho nữ chính và luôn cho nữ chính cảm giác an tâm, tin tưởng và dựa dẫm.
Phải yêu thương 1 người sâu sắc đến đâu mới có thể thấu hiểu người đó? Nam chính vì yêu thương sâu sắc nữ chính mà thấu hiểu nữ chính. Cũng như vậy, những người xem chỉ cảm nhận nửa vời sẽ không bao giờ thấu hiểu được nam chính là người như thế nào.
- Biên kịch cũng rất khéo léo trong việc xây dựng những tình huống tương tự nhau để khán giả so sánh cách xử lý của nam chính và nam phụ, từ đó gợi ý cho người xem đâu là nam chính. Cùng là 1 tình huống khi nữ chính đau khổ vì thất tình, nam phụ sẽ vui vẻ, nam chính sẽ "bày tỏ" với nữ chính. Cùng 1 tình huống khi đi theo bảo vệ nữ chính, nam phụ sẽ lén lút, nam chính sẽ đường hoàng như chuyện đương nhiên. Cùng 1 tình huống khi phải từ bỏ tình yêu, nam phụ sẽ mập mờ, nam chính sẽ dứt khoát...
Cách xử lý tình huống của mỗi người góp phần thể hiện kiểu tình yêu của họ. Nam phụ dành cho một thời tuổi trẻ nông nổi và mơ mộng. Nam chính là dành cho cả cuộc đời.
Chính bởi nam chính luôn mang những tố chất khác biệt mang tính quyết định so với nam phụ, cho nên ngay từ đầu việc tìm chồng cho nữ chính đã không phải là 1 "cuộc đua". Biên kịch không bày nam chính và nam phụ lên bàn cân để thi đấu với nhau nhằm giành giật trái tim của nữ chính. Biên kịch cũng không cần khán giả cân đong đo đếm xem ai đủ "tốt", đủ "xứng đáng" làm chồng nữ chính. Tình yêu vốn không có khái niệm ai được cho là "tốt" hơn, "xứng đáng" hơn thì sẽ giành được tình cảm của nữ chính.
Biên kịch không tạo ra 2 nhân vật nam với đầy đủ tố chất nam chính để đến phút chót tự làm khó mình bằng việc "cố ép" người xem chấp nhận nam chính thực sự. Trong khi người xem còn mải mê choáng ngợp với nam phụ thì biên kịch đã từng chút từng chút một hé lộ những tố chất của nam chính qua những chi tiết nhỏ nhặt nhưng đắt giá. Khi biên kịch tung ra những chi tiết quyết định không phải là lúc biên kịch "cố ép" nam chính bộc lộ mình để người xem chấp nhận mà là buộc người xem phải thừa nhận những tố chất mà nam chính thực sự đã luôn bộc lộ nhưng người xem đã không nhận ra hoặc cố tình lờ đi.
Trò chơi tìm chồng không phải cuộc đua giữa 2 nhân vật nam để tiến tới danh hiệu "chồng" mà đơn giản, đó là trò chơi để thử thách sự tỉnh táo và tinh tế của người xem, xem họ có nhận ra người chồng đã được biên kịch sắp đặt từ lúc đầu hay không.
Nam chính từ đầu vẫn luôn là nam chính, dù người xem có nhận ra hay không.
Nữ chính dù kiên định hay ngốc nghếch trong chuyện tình cảm thì trái tim từ đầu vẫn luôn chỉ hướng về nam chính. Nữ chính có thể bị động trong việc nhận ra tình cảm của mình nhưng sẽ luôn chủ động trong việc thể hiện tình cảm và sự quan tâm, chăm sóc đối với nam chính.
Dù lý trí nữ chính không nhận ra, dù nữ chính có thể lầm lẫn, có thể ngộ nhận, nhưng trái tim cô ấy vốn ngay từ đầu đã lựa chọn nam chính rồi.
Nguồn: (1)
0 nhận xét:
Post a Comment